SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Sự bùng nổ của khoa học công nghệ là đòn bẩy cho sự ra đời của sản phẩm trí tuệ. Khi sản phẩm trí tuệ không ngừng tăng lên thì quyền sở hữu trí tuệ cũng dễ bị xâm phạm hơn nhất là trong thời kỳ công nghệ số ngày nay.
1. Sở hữu trí tuệ là gì?
Trí tuệ là nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, là năng lực riêng có của con người. Những thành quả do trí tuệ con người tạo ra thông qua hoạt động sáng tạo được thừa nhận là tài sản trí tuệ. Theo đó, Sở hữu trí tuệ được hiểu là sự sở hữu đối với những tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân.

2. Định nghĩa về quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu đối với kết quả của hoạt động sáng tạo của con người. Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kĩ thuật; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp (Quyển tác giả; Quyền sở hữu công nghiệp).

Theo quy định của pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức,cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm:
- Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả: Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
- Quyền sở hữu công nghiệp: Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại.
- Quyền đối với giống cây trồng: Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
3. Lý do cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Bảo vệ sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo
Đối với chủ thể nắm quyền sở hữu, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích sự sáng tạo. Thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của họ vào các hoạt động nghiên cứu. Cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm tốt.

Bảo vệ sở hữu trí tuệ thúc đẩy kinh doanh
Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ góp phần giảm thiểu tổn thất. Và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Nhờ vào quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp sẽ không phải đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế do hành vi “chiếm đoạt” của các đối thủ cạnh tranh.

Bảo vệ sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích người tiêu dùng
Nếu không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì trên thị trường sẽ tràn lan những sản phẩm giả, kém chất lượng. Ảnh hưởng nghiêm trọng về cả uy tín và doanh thu cho các chủ thể đang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng có chất lượng, có sự đầu tư trí tuệ vào sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn. Và được sử dụng các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của họ.

Bảo vệ sở hữu trí tuệ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Pháp luật sở hữu trí tuệ chống mọi hành vi sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Cũng như những hành vi sử dụng trái phép thông tin bí mật được bảo hộ.
Bảo vệ sở hữu trí tuệ tạo uy tín cho doanh nghiệp
Một cá nhân, tổ chức phải trải qua thời gian dài để có thể cho ra một sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Họ phải đầu tư trong nhiều năm. Và có thể phải mất rất nhiều chi phí cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (nghiên cứu để tạo ra, thử nghiệm…). Rồi mới có thể đưa một sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhờ vào bảo vệ sở hữu trí tuệ, công ty sẽ xây dựng được “uy tín thương hiệu”. Được nhiều người biết đến và tin dùng.